Những năm trước đây, các cụm từ “khủng hoảng kinh tế”, “lạm phát”… chỉ có các nhà kinh tế, các học giả hay nói tới, thì ngày nay, đã trở nên quá quen thuộc chẳng riêng với các nhà điều hành doanh nghiệp mà ngay cả đến những người bình thường nhất trong xã hội, từ các bà nội trợ, giới giáo viên, công chức, những người công nhân, thậm chí đến cả với những người qua bao ngày tháng chắt chiu đã tạm có chút của ăn, của để… đều phải luôn bàng hoàng kinh sợ, bởi nó như một bóng ma vô hình nhưng rất tàn ác, cứ âm thầm, lặng lẽ tước đoạt đi bao mồ hôi, công sức và mong ước dù rất nhỏ bé của những người lao động. Năm trước, tôi tặng mấy chiếc chăn Sông Hồng cho mấy người làm cán bộ Đoàn ở một huyện miền núi thuộc khu vực miền Trung. Người Bí thư huyện đoàn có lẽ vì xúc động mà thay vì một lời cảm ơn, anh rưng rưng nhìn vào nơi xa xăm: Với người dân quê cháu những chiếc chăn thế này chỉ có trong ước mơ xa vời thôi chú ơi! Ôi, dù lời nói vô tình, nhưng người nghe mới xa xót làm sao. Chiếc chăn ấy chỉ đáng giá mấy trăm nghìn đồng mà anh đã gọi là quá sang trọng và là sự mong ước xa xỉ của người dân quê anh. Những năm chiến tranh phá hoại của Mĩ, tôi đã từng sống mấy mùa đông ở vùng miền núi, tôi đã biết cái rét và lạnh buốt kinh khủng biết nhường nào. Vậy mà, đã mấy chục năm chiến tranh qua đi rồi, vẫn còn nhiều lắm,các cụ già, các em nhỏ… hằng đêm chẳng đủ chăn ấm để chống chọi với cái rét cắt da, cắt thịt mùa đông.
Vẫn biết khủng hoảng hay lạm phát, hay bao bất công, ngang trái trong cuộc đời này, đâu có phải do lỗi của người dân mà những nỗi khốn khổ kia cứ mãi đè nặng lên đôi vai gầy của những người lao động. Vẫn biết người Bí thư huyện Đoàn kia dẫu có nặng lòng bao nhiêu với người dân quê anh, nhưng nếu chỉ riêng anh và những đồng bào của anh, cũng không thể làm được gì lớn lao hơn để thay đổi cuộc sống này… mà cần lắm những tấm lòng nhân ái, can đảm, tài ba của những người lãnh đạo với những chính sách hợp đạo Trời, hợp lòng Dân và cần lắm những tấm lòng thương nước, thương dân và ý chí quật cường của các nhà doanh nghiệp. Để những vật dụng nhỏ nhoi, tối cần thiết kia không còn là những ước mơ xa xỉ nữa mà bất cứ người dân nào, bất cứ gia đình nào ở Việt Nam cũng đều có điều kiện để nhận được những vật phẩm bình thường mang dấu ấn văn minh ấy của nhân loại trong cuộc sống. Với chúng tôi - Những người làm doanh nghiệp, đã từng qua những năm mặc áo lính, hầu như ai cũng luôn mang nặng trong lòng mình nỗi niềm day dứt này…
Một mùa đông nữa lại sắp đến.
Tháng 07 năm 2012
CÔNG TY CP MAY SÔNG HỒNG
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
BÙI ĐỨC THỊNH